Những dấu son lịch sử của ngành điện và trách nhiệm của thế hệ ngày nay

Ngành điện có lịch sử khá lâu, ánh điện đầu tiên ở nước ta đã có từ 1894 được phát ra từ Nhà đèn Vườn Hoa Hải Phòng (750kW). Thủy điện đầu tiên của chúng ta được xây dựng từ 1927 – 1928 là Tà Sa, Nà Ngần (tỉnh Cao Bằng). Quá trình hình thành và phát triển của ngành đều mang theo hơi thở của lịch sử, cùng với dòng chảy của đất nước, dân tộc trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm của lịch sử nước nhà. 

Mỗi chúng ta, những nhân viên ngành điện, chúng ta được làm việc và hưởng lợi ích mà ngành nghề mang lại, trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta chính là phải nâng cao nhận thức hiểu biết về ngành (lịch sử ngành) để không có cái nhìn thiên lệch đối với ngành nghề, để tự hào, biết ơn những gì mà chúng ta hiên tại được thừa hưởng, tương lai của ngành điện phụ thuộc thuộc vào chính chúng ta hôm nay.

Hiểu về lịch sử ngành nghĩa là “Dân ta phải biết sử ta”

Một dân tộc mà quên đi lịch sử là một dân tộc chết và không thể phát triển. Cũng như vậy trong một ngành nghề, nếu người làm nghề lãng quên đi lịch sử của ngành đó, phủ nhận những gì thế hệ trước đã làm được, không có thái độ làm nghề đúng đắn thì bản thân người đó sẽ không thể nào phát triển tốt hơn được. Nếu nhiều người trong ngành đều như thế sẽ kéo theo hệ lụy là ngành nghề đó sẽ dậm chân tại chỗ, tệ hơn là bị xã hội đào thải.

Những dấu son lịch sử của ngành điện

Giai đoạn 1954 - 1975:

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước bị chia cắt thành 2 miền. Ở miền Nam, Điện lực vẫn trong tay chính quyền Mỹ - Ngụy. Ở miền Bắc, ngành Điện cùng nhân dân bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước. Cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên chuyên trách lĩnh vực điện là Cục Điện lực được thành lập 21/7/1955.

Xây dựng các nhà máy điện: Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Thác Bà công suất 108MW, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 48MW, NMTĐ Đa Nhim công suất 160MW.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến thăm nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây Người căn dặn “Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của nhân dân, của các cô, các chú. Các cô, các chú phải cùng nhau giữ gìn và phát triển nó lên". Đây là lời căn dặn có giá trị to lớn, là kim chỉ nam trong suốt quá trình hoạt động và phát triển sau này của ngành điện.

Giai đoạn 1976 - 1985: Tiếp nhận hệ thống điện miền Nam từ chính quyền Sài Gòn từ ngày 01/5/1975. Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn I. Xây dựng tuyến đường dây 220kV đầu tiên của Việt Nam từ Hà Đông – Hòa Bình (khởi công 1979, hoàn thành 1981).

Giai đoạn 1986 – 1995: Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn II, giai đoạn III. Đặc biệt công trình đường dây 500 kV Bắc – Nam (khởi công 1992, khánh thành 1994) là một công trình ghi dấu ấn sâu sắc trong giai đoạn này, trở thành một dấu son trong lịch sử của ngành điện. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt  là người trực tiếp chỉ đạo và theo sát công trình trong suốt quá trình xây dựng đến lúc đóng điện, lúc ấy ông thể hiện sự quyết tâm qua câu nói nổi tiếng “Nếu đóng điện không thành công, tôi xin từ chức”. Ông đã chỉ đạo đóng điện thành công công trình đường dây cấp điện áp 500kV dài gần 1.500km Bắc – Nam, qua 14 tỉnh thành để đưa điện vào Nam, giải quyết bài toán thiếu điện ở miền Nam, tạo ra “kỳ tích” cho ngành điện. Bởi lẽ, không một quốc gia nào trên thế giới tại thời điểm đó làm được đường dây dài hơn 1.000 cây số chỉ trong vòng vỏn vẹn hai năm chủ yếu chỉ dựa vào sức người như nước ta.

Khánh thành công trình Thủy điện Hòa Bình với công suất 1.920MW (1994). Thành lập Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia (1994). Thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam (1994).

Giai đoạn 1996 – 2005: Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập (Nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Luật Điện lực chính thức được ban hành (2004); Hệ thống điện đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải cao ở mức 12 – 15%/năm. Khánh thành các nhà máy thủy điện: Ialy (720MW), Trị An (400MW). Xây dựng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ 4.000MW - trung tâm tuabin khí hỗn hợp lớn nhất Việt Nam.

Giai đoạn 2006 – 2015: Năm 2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra đời trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đánh dấu sự phát triển toàn diện, đổi mới của ngành Điện Việt Nam.

Xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á có công suất 2.400MW (khởi công 2005, khánh thành 2012, vượt trước tiến độ 3 năm). Xây dựng và đưa vào vận hành các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Hải Phòng, Quảng Ninh,...

Giai đoạn 2016 - nay:

Những năm về sau ngành Điện luôn quán triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Tiếp tục đảm bảo cung cấp điện, phủ sáng toàn bộ đất nước bằng ánh sáng của điện. Đến nay, EVN cơ bản hoàn thành chương trình Điện khí hóa nông thôn, cấp điện tới 100% số xã, hộ dân, toàn quốc; hoàn thành tiếp nhận cấp điện đến tất cả huyện đảo của cả nước. Đưa đất nước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập, đưa quy mô hệ thống điện đạt mức của các quốc gia tiên tiến.

Tương lai của ngành điện phụ thuộc thuộc vào chúng ta hôm nay

Lúc ban đầu chẳng ai là tốt ngay được, vậy là ta nhìn những người làm tốt quanh mình xem họ làm gì để học tập và noi theo. Ngành Điện cũng vậy, cũng có việc làm tốt, việc làm chưa tốt như chưa đáp ứng được nhu cầu của việc phát triển phụ tải, tốc độ và mức độ cung chưa đáp ứng cầu, vẫn thiếu điện, quá tải ở nhiều khu vực,…nhưng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình đã cố gắng không ngừng để cung cấp điện liên tục và ổn định đến từng hộ gia đình, để phục vụ sản xuất.

Ngành Điện đã hơn một lần cải cách, thay đổi, học tập cách thức của các quốc gia phát triển khác. Dịch vụ khách hàng liên tục đổi mới, vươn tầm khu vực và quốc tế: đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, điều hành…. 

Đất nước ta trải qua sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, chỉ vừa thống nhất chưa được 50 năm (1975), gỡ bỏ cấm vận chưa đầy 30 năm (1995). Với những gì đã làm được và sự phát triển như hiện tại là sự cố gắng của bao thế hệ, là một điều xứng đáng được ghi nhận. Mỗi chúng ta là một người dân Việt Nam, hơn hết là một nhân viên ngành Điện, chúng ta được làm việc và hưởng lợi ích mà quốc gia, ngành nghề mang lại thì trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta chính là phải nâng cao nhận thức hiểu biết về ngành, để tự hào, biết ơn những gì mà chúng ta hiện tại được thừa hưởng.

Mỗi người phải cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao với tinh thần trách nhiệm cao, có tinh thần cầu tiến và phấn đấu cống hiến cho công việc, cho ngành. Như vậy ngành Điện nhất định sẽ phát triển, đất nước sẽ vững bền như đã cam kết với Đảng và Chính phủ, đó là “Điện đi trước một bước”.

Bạn đang xem: Những dấu son lịch sử của ngành điện và trách nhiệm của thế hệ ngày nay
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 0941849235
Liên hệ qua Zalo
Messenger
popup

Số lượng:

Tổng tiền: